Phụ nữ mang thai phải được chăm sóc từ những điều nhỏ nhặt nhất. Do đó việc tắm nước nóng trong thai kỳ cũng cần phải hết sức cẩn thận để tránh ảnh hưởng cho mẹ và bé.
Bà bầu có nên tắm nước nóng không?
Mang thai là một khoảng thời gian đẹp đẽ nhưng cũng đầy thử thách đối với người phụ nữ. Bên cạnh những tác nhân gây căng thẳng hàng ngày, phụ nữ đang mang thai còn phải đối mặt với việc các hormone xuất hiện trong thai kỳ làm biến đổi mọi thứ trong cơ thể mình.
Từ việc ốm nghén đến việc bị đau nhức các cơ bắp và rối loạn cảm xúc, thai kỳ có thể khiến nhiều mẹ bầu trở nên căng thẳng quá mức. Việc mẹ bầu bị căng thẳng quá mức và kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi cũng như chính sức khỏe của người phụ nữ mang thai.
Lúc này, việc cần làm là giúp cho sản phụ được thoải mái và thư giãn một cách tốt nhất. Tuy vậy, việc tìm được một khoảng thời gian để nghỉ ngơi hợp lý có vẻ như là một nhiệm vụ bất khả thi, đặc biệt những sản phụ hiện đại vẫn phải tiếp tục làm việc trong suốt thai kỳ. Chính vì thế, nhiều người cho rằng việc tắm nước nóng hằng ngày là một cách tuyệt vời để thư giãn vào cuối một ngày dài.
Tuy nhiên, khi đang mang thai, mẹ bầu hãy nhớ kiểm tra xem nước tắm của mình có quá nóng hay không. Chỉ nên tắm nước ở nhiệt độ 38 độ C. Việc tiếp xúc với nhiệt độ cao quá mức không chỉ làm mẹ bầu bị bỏng da do nhiệt mà còn có thể gây hại cho thai nhi.
Tại sao tắm nước nóng không tốt cho mẹ bầu?
Sự tăng nhiệt độ có thể làm nóng nước ối, từ đó ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Khi nóng, cơ thể mẹ có thể xuất hiện cơ chế đổ mồ hôi nhưng bé nằm trong bụng mẹ thì không.
Sự gia tăng thân nhiệt mẹ có thể phá hủy các tế bào trong bào thai cũng như ngăn cản oxy truyền tới thai nhi. Nguy hiểm hơn, nhiệt độ cao còn có thể dẫn tới nguy cơ gây dị tật thai nhi hoặc sảy thai.
Nước nóng sẽ làm tăng thân nhiệt của mẹ bầu khi sử dụng. Nếu nhiệt độ cơ thể cao hơn 38 độ C sẽ làm tăng nguy cơ khuyết tật ống thần kinh của bé trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ và mất nước về sau trong thai kỳ.
Một lý do nữa mà bà bầu không nên tắm nước nóng là vì sức nóng của nước có thể làm cho mẹ bầu bị chóng mặt và hạ huyết áp. Trong khi đó, hiện tượng huyết áp thấp là hiện tượng nguy hiểm cần phải tránh trong suốt thai kỳ bởi vì điều này có thể làm giảm lượng máu lưu thông đến nhau thai.
Nếu nhiệt độ nước tắm quá 40ºC có thể gây choáng cho mẹ. Ngoài ra, do áp lực của nước nóng, sự vận chuyển oxy lên não bị chậm khiến bà bầu dễ bị hoa mắt, mất nhận thức tạm thời. Thậm chí nguy hiểm hơn là có thể bị ngất xỉu.
Bốn nguyên tắc mẹ bầu cần nhớ khi tắm
Mẹ bầu nên lưu ý để tắm đúng cách, hạn chế ảnh hưởng đến sức khoẻ mẹ và bé.
Nguyên tắc 1: Không được tắm quá lâu
Hạn chế tắm quá lâu là nguyên tắc đầu tiên mẹ bầu cần nhớ. Nguyên nhân là do hệ thống thông gió trong phòng tắm rất kém, độ ẩm lại cao, điều này có thể làm giảm lượng oxy lưu thông trong phòng tắm, từ đó dẫn đến huyết quản của thai phụ giãn ra, máu dồn về tứ chi, lượng máu đổ về não và cuống rốn lại bị ít đi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho mẹ và thai nhi.
Nếu tình trạng này kéo dài, hệ thống thần kinh của thai nhi sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, các bác sĩ khuyên rằng thai phụ không nên tắm quá 15 phút.
Nguyên tắc 2: Không nên tắm nước nóng hoặc quá nóng
Như đã đề cập ở trên, nhiệt độ nước tắm quá cao sẽ làm cơ thể mẹ bầu tăng cao dẫn đến nhiệt độ nước ối cũng sẽ tăng lên theo. Theo các nghiên cứu, khi tắm trong vòng 15 phút trong nhiệt độ nước cao hơn nhiệt độ cơ thể sẽ khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên đến 38,9 độ.
Trong khi đó, thai nhi được bảo vệ trong nước ối, khi cơ thể mẹ nóng lên thì nước ối cũng nóng theo. Điều này sẽ khiến hệ thống thần kinh của thai nhi bị ảnh hưởng và gây ra các dị tật không mong muốn như như không có não, vẹo cột sống… Chính vì vậy, chỉ nên tắm trong làn nước có nhiệt độ từ 34 đến 36 độ C và không tắm quá 15 phút.
Nguyên tắc 3: Hạn chế tắm bồn
Bình thường, âm đạo của phụ nữ mang thai luôn có độ axit ổn định để chống lại các loại vi khuẩn gây bệnh. Trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là ở những tháng cuối thai kỳ, cơ thể của mẹ sẽ tiết ra một lượng hormone nữ và hormone mang thai, lượng hormone mang thai sẽ nhiều hơn nên khiến dịch tiết ra từ âm đạo giảm, từ đó âm đạo dễ bị vi khuẩn bên ngoài tấn công.
Lúc này, nếu thai phụ tắm trong bồn thì nước ở bồn tắm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công vào âm đạo và dễ khiến cổ tử cung bị viêm nhiễm, thậm chí viêm cả bộ phận sinh dục ngoài dẫn tới việc đẻ sớm, sinh non.
Nguyên tắc 4: Nên mang dép chống trơn trượt khi tắm
Mang thai khiến cơ thể phụ nữ trở nên nặng nề, di chuyển khó khăn và cũng gặp nhiều trở ngại. Tốt nhất là sàn phòng tắm nên lát đá chống trơn trượt hoặc sản phụ nên đi dép chống trơn trượt để đảm bảo không bị ngã, bảo vệ an toàn cho bản thân và thai nhi.
Trên đây là một số thông tin về việc tắm rửa vệ sinh hằng ngày của thai phụ. Hi vọng với những thông tin hữu ích trên, các mẹ có thể giải đáp được thắc mắc: “Bà bầu tắm nước nóng được không?” cũng như nắm được các phương pháp tắm đúng cách để đảm bảo có một thai kỳ khoẻ mạnh.